Danh mục: Bóng Đèn ( Tube )
Mã sản phẩm: VSA6
Từ khóa: 12ax7 RCA SYVANIA GE
Mô tả:
Lịch sử ra đời
Vào đầu năm 1948, tại Mỹ, đèn 12AX7 cùng một lúc được hai nhà sản xuất RCA và Sylvania giới thiệu ra thị tr¬ường. Lúc đó Sylvania là nhà sản xuất chính còn RCA chịu trách nhiệm nghiên cứu phát triển công nghệ. Sự hợp tác này kéo dài cho đến tận những năm 80 – rất nhiều đèn điện tử nhãn hiệu “RCA” do chính RCA thiết kế nhưng thực tế lại do Sylvania hoặc GE (General Electric) sản xuất theo hợp đồng.
Đèn 12AX7 là loại đèn 9 chân tăm, có hệ số khuếch đại là 100 – hệ số khuếch đại thuộc hạng cao nhất trong các loại đèn 3 cực. Do kích thước nhỏ và hoạt động khá ổn định nên hầu hết các thiết bị âm thanh thiết kế sau năm 1956 đều dùng 12AX7 làm tiền khuếch đại thay vì dùng đèn 5 cực 6SJ7 hoặc cặp các loại đèn 3 cực kép chân to (octan) như 6SL7, 6SN7... Đèn 12AX7 có mặt ở hầu hết những mạch tiền khuếch đại hi-fi của các hãng danh tiếng như : Dynaco, Eico, Fisher, Grommes, Harman/ Kardon, Heathkit, Knight, McIntosh, Marantz, Vox... Đèn 12AX7 còn có thể được tìm thấy trong tầng kích thích công suất (driver) của ampli do các nhà sản xuất trên chế tạo. Số lượng máy khuếch âm chơi đàn ghita sử dụng 12AX7 nhiều không sao kể hết. 12AX7 đã trở thành tầng khuếch đại chuẩn mực cho ampli hi-fi và nhạc cụ.
Theo cách gọi tên của Châu Âu, đèn 12AX7 sản xuất ở Châu Âu còn có tên gọi là ECC83. “Các sản phẩm đặc biệt” thuộc dòng 12AX7/ECC83 như CV4004, M8137 được chế tạo theo tiêu chuẩn cao, ngày nay vẫn có giá khá đắt. Những đèn điện tử như vậy có bộ bảo vệ chân, là một miếng nhựa gắn ở đầu ống, giúp tránh khỏi bị uốn cong chân khi vận chuyển. Các bộ giữ chân này là dấu hiệu phân biệt đèn Mullard hay Brimar cổ điển chính cống, hoặc thiết bị chất lượng hàng đầu dành cho Bộ Quốc Phòng Anh. Tiếc thay, các sản phẩm quý giá này không còn được tiếp tục sản xuất từ những năm 70.
Là loại đèn có độ khuếch đại lớn, một vấn đề thường thấy với 12AX7 là hiệu ứng microphon, điều này tác động xấu đến hoạt động của mạch điện, đặc biệt là trong điện tử hàng không và thiết bị đo. Vào năm 1958, Hãng Telefunken đã hoá giải được khó khăn này khi giới thiệu loại đèn độc nhất vô nhị ECC803S. Không giống như các đèn 12AX7 khác, loại đèn này có kiểu thiết kế lưới giống trong đèn khuếch đại cao tần, với kết cấu lưới đặc biệt, gọi là lưới khung sẽ tạo ra độ vững chắc và tránh cho đèn bị tác động bởi các rung động cơ học. Kiểu thiết kế này còn tạo độ hỗ dẫn cao cho đèn, một yếu tố có lợi cho khuếch đại tín hiệu nhỏ. Ngày nay, đèn ECC803S của Tele không được sản xuất nữa nên loại này rất hiếm và đắt.
Một số điều cần lưu ý khi mua đèn 12AX7
Các bạn hãy thận trọng với đèn 12AX7 bị in lại nhãn mác. Thời nay việc đó rất phổ biến và dễ dàng vì nhãn mác được in bằng mực dễ hoà tan. Đây chính là cơ hội khiến khách hàng nhầm lẫn mua phải của rẻ mà giá cao. Các đèn 12AX7 gắn lại nhãn những năm 60 và 70 thực chất được sản xuất ở Nhật. Raytheon thường mua lại đèn từ các hãng tại Nhật rồi gắn lại nhãn. Các hãng Hitachi, Matsushita, Toshiba đều chế tạo đèn 12AX7 và cả 12AU7, 12AT7, 12AY7, 5751, 7025. Chất lượng đèn điện tử của Nhật vẫn còn gây ngờ vực cho dù chúng ngày càng hiếm dần và không được sản xuất nữa.
Có rất nhiều đèn vẫn mang nhãn hiệu từ xa. Khoảng 15 năm trớc đây, đèn 12AX7 đến từ Hungary lại in mác “Mullard – sản xuất tại Anh Quốc”; và thỉnh thoảng chúng vẫn được bày bán. Vào những năm 60, 70 một nhà máy ở Ấn Độ chế tạo đèn 12AX7 với giá cực thấp. Tất cả các sản phẩm đó đều được dán lại mác. Cũng chỉ vài năm gần đây thôi, chúng tôi thấy có những lô đèn CV4004 (tương đương 12AX7) với âm thanh rất tầm thường, không biết có xuất xứ từ đâu đã được bán với giá của một siêu đèn.
Logo kim cương của Telefunken, các mẫu logo đa dạng của Amperex cũng thường xuyên bị lợi dụng. Có những cửa hàng thiếu trung thực đã in nhãn mác của Tung-Sol, Telefunken, Mullard và Amperex lên bất kỳ đèn 12AX7 nào cho dù chất lượng đèn tốt hay xấu. Bạn cần biết rằng một số đèn giả mạo thường được gắn mác “sản xuất tại nước ngoài” (Foreign Made), và được đựng trong các vỏ hộp giả, in lại tên của Amperex, Mullard, Telefunken. Người ta còn cố làm cho chúng có vẻ cũ đi để cho có vẻ “nhuốm màu thời gian”!
Một số đèn có thể thay thế cho ECC83/ 12AX7
Các sản phẩm thay thế trực tiếp cho 12AX7 khá nhiều. Và đương nhiên không tránh khỏi việc nhiều ngời sử dụng bị lầm lẫn khi lựa chọn. Dưới đây, chúng tôi giới thiệu một số đèn có thể thay thế cho 12AX7/ ECC83. Tuy nhiên bạn vẫn nên thận trọng. Nếu bạn dùng loại đèn nào thì cần hỏi ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đèn điện tử trước khi lắp đặt.
Đèn 5751
Đèn 5751 (hệ số khuếch đại 70) được hãng GE giới thiệu vào năm 1949. Có một vài thiết bị âm thanh dùng loại đèn này như sản phẩm hi-end của Conrad-Johnson những năm 70, 80: MV50, MV75, MV75A, ampli công suất Premier One, preampi Premier Three.
Đèn 5751 có thể thay thế cho 12AX7 trong các mạch tiền khuếch đại. Chúng cho hệ số khuếch đại điện áp thấp hơn, và cải thiện được tình trạng méo âm cũng như hiệu ứng microphone. Sợi đốt của đèn 5751 tốn điện hơn một chút so với 12AX7, nó cần dòng điện 175mA so với 150mA (12,6V). Các đèn 5751 đời trước năm 80 bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên thị trường.
Đèn 12AD7
Hãng CBS - Hytron và Sylvania cho ra mắt loại đèn này năm 1955 và chúng là phiên bản 12AX7 ít tạp âm. Loại đèn này không được sử dụng phổ biến ở Mỹ và Châu Âu mà chỉ thấy xuất hiện rộng rãi trên thị trường Nhật Bản. Rất nhiều thiết bị thu băng của Akai, Robert, Sony... dùng 12AD7. Đèn 12AD7 giống bản gốc 12AX7 về mặt điện, trừ một điểm duy nhất: sợi đốt ăn dòng điện 225mA, trong khi đèn 12AX7 chỉ cần dòng điện 150mA (12,6V).
Đèn 12AY7/ 6072A
Đây là loại đèn tiền khuếch đại âm thanh có tạp âm rất thấp, được General Electric - GE giới thiệu năm 1949. Chúng thường xuất hiện trong bộ khuếch đại của guitar Fender. Đèn này có độ lợi thấp hơn 12AX7 và 5751. Một điểm thú vị là hãng Audio Note Kondo (Nhật), một nhà sản xuất ampli đầu bảng trong thế giới hi-end lại rất “mê” đèn 6072A. Đèn này hiện diện trong một số đời preampli và ampli tốt nhất của Audio Note.
Đèn 12AT7
Loại đèn này thường gặp trong các bộ ampli đàn guitar, đóng vai trò là bộ đảo pha hoặc bộ vang âm (reverb driver). Hầu hết các công ty sản xuất đèn 12AX7 cũng đều sản xuất các phiên bản 12AT7. Trong những năm 60 loại đèn này đã trở thành đối thủ của đèn 12AX7 khi nó được ứng dụng phổ biến trong quân sự và công nghiệp. Tuy tham số điện của 12AT7 có khác so với 12AX7 nhưng khi thay 12AT7 vào vị trí 12AX7, mạch điện cũng không có nguy hại gì. Hãng VTL và Manley sử dụng rất nhiều 12AT7 trong các ampli của họ.
Đèn 7729
Loại siêu đèn này được cho là ra đời từ những năm 60 bởi hai nhà chế tạo duy nhất là GE và CBS/Hytron. Chúng thường mang luôn tên của các hãng sản xuất nhạc cụ, chẳng hạn như Beckman. Đèn 7729 chính gốc có các chân bằng vàng và được dùng trong các ứng dụng then chốt trong các bộ khuếch đại của nhạc cụ. 7729 được xem là loại đèn tạo ra âm thanh cực hay, và cũng được xếp vào loại cực hiếm vì không còn nơi nào chế tạo nữa.
Tạp chí Điện Tử Tiêu Dùng số 159